Một con rắn hổ mang chưa bao giờ giao phối nhưng lại đẻ trứng, 1 con rắn đuôi chuông lại sinh nở sau giao phối tới... 5 năm.
Đây đều là những trường hợp đặc biệt vừa được các nhà nghiên cứu công bố trên Tạp chí Sinh học Linnean Society số mới nhất. Theo đó, con rắn đuôi chuông cái nói trên được mô tả là “có thời gian bảo quản tinh trùng dài nhất” trong vương quốc động vật (không kể côn trùng).
“Rắn và một số loài động vật khác có thể sinh nở trong trạng thái “trinh nữ” hoàn toàn, nghĩa là thụ tinh hoàn toàn không cần tới con đực. Hoặc nếu có giao phối thì chúng có thể bảo quản tinh trùng bên trong cơ thể trong một thời gian rất, rất dài”, nhà nghiên cứu Warren Booth của Đại học Bắc Carolina chia sẻ trên trang Discovery News.
Theo ông Booth, hiện tượng sinh nở không cần giao phối – tên khoa học là parthenogenesis, đã được khoa học ghi nhận ở rất nhiều loài động vật có xương sống, ngoại trừ động vật có vú. Ngoài rắn, hiện tượng trên còn bắt gặp ở trăn Nam Mỹ, trăn cầu vồng, một số loài cá mập, rồng Komodo, gà tây....
Trở lại với con rắn hổ mang “trinh nữ”: Warren Booth cho biết con rắn này đã được trưng bày tại Viện Hải dương học Bắc Carolina một mình từ nhiều năm nay. Booth đã tiến hành phân tích DNA của nó và xác nhận, hoàn toàn không có sự “đóng góp” nào từ con đực đối với 4 con rắn con có ngoại hình hoàn toàn bình thường do rắn cái sinh ra.
Tuy nhiên trường hợp con rắn đuôi chuông mới khiến Warren Booth sửng sốt và ấn tượng hơn, bởi đột nhiên, nó đẻ ra 19 quả trứng – nở thành 19 con rắn con khỏe mạnh (10 con cái và 9 con đực). Việc phân tích DNA khẳng định 19 con rắn con này đều có chung một “ông bố”.
“Con rắn này bị bắt khi nó khoảng 1 tuổi và từ đó đến nay, nó được nhốt trong chuồng cách ly với rắn đực. Vì thế, chỉ có thể giải thích rằng nó đã giao phối từ trước khi bị bắt - lúc cơ thể và nhất là hệ sinh dục còn chưa phát triển hết”, nhà sinh vật học này lý giải.
Theo giả thuyết của Booth, sở dĩ con rắn chuông hoa lưu trữ được tinh trùng tới 5 năm là vì bên trong cơ thể nó có ống trữ tinh, hoặc là nó có một khả năng đặc biệt để thắt nút tử cung lại. Nói cho dễ hiểu hơn thì một phần của tử cung sẽ xoắn lại, teo nhỏ tạm thời để cô lập và bảo vệ tinh trùng cho tới khi thích hợp để “gặp” trứng.
Vừa lợi, vừa hại
Cá, chim, côn trùng, động vật lưỡng cư và các loài bò sát cũng có thể lưu giữ tinh trùng trong thời gian dài. Tỷ lệ thành công của động vật có vú thấp hơn nhiều, song một nghiên cứu gần đây về loài dơi vàng châu Á cũng cho thấy, dơi cái có thể lưu giữ tinh trùng trong vài tháng. Để so sánh, phụ nữ chỉ có thể bảo quản tinh trùng trong vài giờ hoặc vài ngày mà thôi.
Bên cạnh đó, sở dĩ con người không thể thụ thai “trinh nữ” theo đúng nghĩa là vì một số gene ở bào thai nhất định phải có sự kết hợp của cả bố lẫn mẹ. Trong môi trường thí nghiệm, mặc dù vậy, các nhà khoa học đã “lách” qua được yêu cầu này khi tạo ra những con chuột parthenogenesis.
Theo Warren Booth, cả hai hình thức sinh nở bất thường kể trên – “thụ thai trinh nữ” và “bảo quản tinh trùng siêu lâu” đều có tính hai mặt. Trong đó, việc bảo quản tinh trùng cho phép con cái vượt qua những thách thức về khí hậu, môi trường sống, thức ăn, sức khỏe... . Việc sinh con không cần con đực có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng của di truyền học và có thể dẫn tới tình cảnh toàn con cháu toàn là con cái hoặc toàn là con đực. Nhưng bù lại, nó cũng có thể loại bỏ những đột biến gene bất thường.
Theo Discovery News, Paolo Prodohl, Giáo sư môn Dân số học và Di truyền học tiến hóa của Đại học Queen Belfast tin rằng, nghiên cứu của Warren Booth có thể dọn đường cho những phương pháp bảo quản tinh trùng tự nhiên trong tương lai, hoặc giúp con người có được sự đột phá về sức khỏe, loại trừ các gene xấu.
Theo Vietnamnet
0 comments:
Post a Comment